7 LÃNG PHÍ TRONG SẢN XUẤT CẦN LOẠI BỎ
5. Lãng phí do sản xuất dư thừa
Sản xuất dư thừa là sản xuất một lượng hàng hóa sớm hơn hoặc, và nhiều hơn nhu cầu thực tế một cách không cần thiết. Cần thiết ở đây là phù hợp với nhu cầu của thị trường, doanh số bán hàng của công ty. Đây là loại lãng phí nguy hiểm nhất trong các loại lãng phí cần loại bỏ.
5.1. Nguy cơ do lãng phí sản xuất dư thừa mang lại
Có thể khẳng định có tiền thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và hoạt động. Tiền sẽ giúp doanh nghiệp ổn định vị thế và có sức mua tốt hơn. Tuy nhiên, khi sản xuất quá mức cần thiết sẽ khiến doanh nghiệp bị “chôn” vốn trong kho nguyên vật liệu thô, sản phẩm dở dang và hàng thành phẩm. Tất nhiên các bạn có thể đi vay để bù đắp nhưng khi đó chúng ta sẽ phải đối mặt với lãi suất, với các khoản nợ mất khả năng chi trả và có thể mất đi chính cơ hội mua hàng.
Sản xuất dư thừa sẽ kéo theo các lãng phí khác như vận chuyển, tồn kho vì thế mới nói đây là một loại lãng phí nguy hiểm nhất trong 7 loại lãng phí. Cùng với việc vận chuyển, tồn kho là lãng phí nhân lực, vật lực, năng lượng tham gia vào các công đoạn này.
Tồn kho nhiều có thể dẫn tới hư hỏng sản phẩm trong quá trình vận chuyển hoặc theo thời gian đặc biệt các loại hàng hóa có thời hạn sử dụng như dược phẩm, thực phẩm…Không những buộc doanh nghiệp phải bảo quản đúng cách mà còn phải tiêu hủy khi hết hạn, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mất toàn bộ lượng hàng hóa cùng chi phí xử lí, loại bỏ số hàng hóa hư hại, hết hạn này.
Với những sản phẩm mang tính mùa vụ, phiên bản, công nghệ như thời trang, điện tử, công nghệ…thì việc sản xuất dư thừa không thể tiêu thụ có thể dẫn tới việc lỗi thời không còn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Những sản phẩm này buộc phải bán thanh lí, cải tiến hoặc tiêu hủy gây nên những tổn thất rất lớn cho doanh nghiệp.
5.2. Nguyên nhân dẫn tới lãng phí do sản xuất dư thừa
Để giảm thời gian giao hàng và cải thiện dịch vụ khách hàng thường các doanh nghiệp chấp nhận sản xuất dư thừa một lượng nhất định để tồn kho dự phòng. Tuy nhiên mức dự phòng bao nhiêu là hợp lí, là an toàn là phù hợp với khả năng tài chính thì không phải doanh nghiệp nào cũng xây dựng được nên dẫn tới tình trạng tồn kho dự phòng quá nhiều.
Tư duy sản xuất loạt lớn nhằm giảm chi phí giá thành thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc hiện đại, công suất lớn. Việc này dẫn tới sản xuất dư thừa và không linh hoạt cho mỗi lần chuyển đổi sản phẩm hoặc lãng phí công suất với những đơn hàng nhỏ.
Thông tin đơn hàng không chính xác, đơn hàng thay đổi hoặc bị hủy, thời gian thực hiện hợp đồng ngắn cũng là lí do buộc doanh nghiệp sản xuất dư thừa.
Việc không có chuỗi cung ứng chuyên nghiệp, độ tin cậy không cao trong quá trình sản xuất cũng gián tiếp đẩy doanh nghiệp tới việc mua và sản xuất dự phòng nhiều hơn mức cần thiết.
Cuối cùng là công tác dự báo bán hàng và lập kế hoạch sản xuất tạo ra những sản phẩm không mong muốn và không tạo ra những sản phẩm mà khách hàng cần.
5.3. Giải pháp hạn chế, loại bỏ lãng phí do sản xuất dư thừa
Thay vì áp dụng mô hình đẩy (sản xuất ra và thúc đẩy việc bán hàng) thì hãy sử dụng mô hình kéo (có đơn hàng mới tiến hành sản xuất).
Chỉ sản xuất đúng số lượng đặt hàng, không thừa, không thiếu bằng cách áp dụng các công cụ quản lí Lean.
Thay đổi tư duy sản xuất loạt lớn bằng các giải pháp chuyển đổi nhanh.
Chú trọng công tác lập kế hoạch sản xuất. Trong các doanh nghiệp áp dụng phần mềm ERP và MRP thì hoạt động lập kế hoạch sản xuất đôi khi bị phó thác hoàn toàn cho phần mềm mà quên đi rằng có vô vàn yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất như biến động nhân lực, sự cố điện, máy móc thiết bị, chất lượng nguyên vật liệu đầu vào…buộc kế hoạch sản xuất phải luôn được giám sát chặt chẽ và điều chỉnh liên tục cho hợp lí.
(Hết bài 5)