Giỏ hàng

VẬT LIỆU NỘI THẤT TỪ VÁN GỖ CÔNG NGHIỆP

Thông thường 1 tấm vật liệu dùng để sản xuất sản phẩm nội thất sẽ bao gồm 2 thành phần chính là gỗ cốt nền (Based board) và vật liệu bề mặt (Surface material). Trong đó:

  • Gỗ cốt nền: hiện nay có rất nhiều loại như ván định hướng (OSB), tấm compact, ván dăm (PB); ván sợi (MDF, HDF); ván ghép thanh (ghép cạnh, ghép finger); ván dán (Plywood, LVL); ván gỗ nhựa (WPC); tấm Fipro…
  • Vật liệu bề mặt bao gồm: giấy décor nhúng tẩm keo (LPL); Laminate (HPL); Veneer (tự nhiên và veneer kĩ thuật); Acrylic; Sơn; Giấy PU; Màng PVC (Vinyl)…
  • Và cứ 1 loại ván gỗ cốt nền kết hợp cùng 1 - 2 loại vật liệu bề mặt trên 1 tấm gỗ sẽ cho ra rất rất nhiều loại vật liệu dùng cho sản xuất sản phẩm nội, ngoại thất.

Mỗi khi nhận báo giá từ các đơn vị thiết kế và sản xuất sẽ có rất nhiều loại vật liệu được giới thiệu. Vậy chúng ta sẽ chọn loại nào để phù hợp với công năng sản phẩm và ngân sách của gia đình?

1. Ván gỗ cốt nền:

Tiếp theo tôi xin giới thiệu hết sức sơ lược về 3 loại ván gỗ cốt nền đang thịnh hành trên thị trường hiện nay là ván dăm (Okal, PB); ván sợi (MDF); ván dán (Plywood).

  • Cấu trúc: plywood được sản xuất từ các lá veneer gỗ tự nhiên mỏng, xếp ngang dọc thớ gỗ; MDF được làm từ sợi gỗ còn ván dăm được làm từ các dăm gỗ và tất cả đều được kết dính bằng keo.
  • Tỷ trọng: MDF (thường trên 700kgs/m3) cao hơn ván dăm (trung bình khoảng 620kgs/m3) còn với plywood thì tùy vào nguyên liệu gỗ đầu vào. Với gỗ thông thì tỷ trọng là 600kgs/m3 nhưng với loại gỗ khác có thể lên tới 900kgs/m3 hoặc cao hơn.
  • Độ chịu lực: cao nhất là ván dán (plywood) và thấp nhất là ván dăm (PB).
  • Khả năng bám vít (đinh): cao nhất là ván dán do cấu trúc xếp ngang dọc, sau đó là ván sợi MDF và cuối cùng là ván dăm (PB).
  • Khả năng chống ẩm: cao nhất là plywood và thấp nhất là ván dăm nếu cùng tiêu chuẩn.
  • Tạo hình: nếu như ván dán (Plywood) và ván dăm (PB) chỉ có thể sử dụng được bề mặt phẳng thì ván sợi MDF có thể tạo hình trên bề mặt với máy CNC ví dụ như cánh pano cho cửa hoặc cánh tủ bếp.
  • Tiêu chuẩn môi trường: như nhau nếu cùng tiêu chuẩn yêu cầu.
  • Giá thành: rẻ nhất là ván dăm (PB) và đắt nhất là ván dán (Plywood).

2. Vật liệu bề mặt

Trong khuôn khổ bài viết này tôi sẽ giới thiệu 5 loại vật liệu bề mặt thường dùng đang lưu thông trên thị trường đó là giấy décor nhúng tẩm keo (LPL); Laminate (HPL); Acrylic, vener kết hợp cùng sơn PU và sơn trực tiếp lên bề mặt gỗ (sơn bệt).

  • Nguyên vật liệu: giấy décor nhúng tẩm keo (LPL) là 1 lớp giấy được in mọi hoa văn họa tiết như mong muốn và nhúng tẩm sẵn keo, dưới tác động của nhiệt độ và áp suất cao keo sẽ tan chảy và làm cho giấy bám dính vào lớp gỗ cốt nền. Trong khi đó Laminate (HPL) gồm nhiều lớp giấy trong đó lớp trên cùng chính là giấy décor LPL ép lại với nhau được kết dính bằng keo. Độ dày của Laminate phụ thuộc số lượng lớp giấy. Acrylic có tên khoa học là PMMA (Polymethyl Methacrylate) và là 1 loại nhựa. Sơn bệt là loại sơn dùng để xử lý bề mặt gỗ, làm mất đi các đường vân gỗ cũng như màu sắc nguyên bản của gỗ dù là tự nhiên hay các loại gỗ công nghiệp, đồng thời giúp cho bề mặt gỗ phẳng mịn và bền hơn. Trong khi đó veneer là 1 lớp gỗ tự nhiên lạng mỏng và được sơn PU lên bề mặt sẽ tạo ra 1 lớp bảo vệ nhưng vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp của vân gỗ tự nhiên.
  • Tạo hình: Với giấy décor (LPL) và Acrylic chỉ thích hợp với sản phẩm dạng phẳng. Với Laminate (HPL) có thể uốn cong nhưng rất phức tạp và cần máy chuyên dụng nên thông thường cũng chỉ được dùng với bề mặt phẳng. Với veneer có thể dùng cho nhiều hình dạng khác nhau, tuy nhiên nếu đường cong có bán kính quá bé thì cũng không thể. Sơn do là chất lỏng nên có thể phù hợp với tất cả mọi hình dạng.
  • Màu sắc: Acrylic và sơn chỉ cho ra các sản phẩm màu đồng nhất (solid color) như xanh, đỏ, tím, vàng…Veneer từ loại gỗ gì sẽ cho ra vân gỗ đó. Riêng giấy décor và laminate thì vô cùng đa dạng do in trên giấy nên có thể in mọi họa tiết mà chúng ta muốn như vân gỗ, một màu, đá, xi măng…
  • Giá thành: rẻ nhất là giấy décor, sau đó là sơn bệt còn veneer, laminate và Acrylic thì rất khó để so sánh do độ dày tiêu chuẩn khác nhau, thương hiệu khác nhau, …nhưng có vẻ acrylic đắt hơn 1 chút.
  • Độ bền: Acrylic và Laminate (HPL) đều có loại chống xước, còn veneer, sơn bệt và giấy décor thì đều có thể dễ bị xước hơn.

3. Vật liệu nào sẽ phù hợp với nội thất nhà bạn?

Khi kết hợp 3 loại ván cốt nền và 5 loại vật liệu với nhau chúng ta sẽ có tối thiểu 15 loại nguyên vật liệu gỗ công nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nội thất. Vậy đâu là vật liệu phù hợp với bạn?

  1. Chi phí đầu tư: Rõ ràng nếu kết hợp 2 loại vật liệu có chi phí thấp nhất sẽ cho ta tấm vật liệu rẻ nhất, đó là ván dăm phủ bề mặt bằng giấy décor mà trên thị trường quen gọi là MFC (Melamine Faced Chipboard) và thuật ngữ này chỉ dùng cho ván dăm và rất hay bị nhầm lẫn. Nếu chúng ta dùng MDF phủ bề mặt bằng giấy décor thì khi đó không còn gọi là MFC nữa. Ngược lại nếu dùng ván dán (Plywood) phủ bề mặt bằng Acrylic sẽ là tấm vật liệu có chi phí cao nhất. Nếu cùng độ dày thì loại này có chi phí cao gấp 4-5 lần so với MFC.
  2. Thẩm mỹ: Nếu bạn muốn một thiết kế hiện đại có thể chọn màu solid (một màu), khi đó trừ veneer ra thì tất cả vật liệu còn lại đều đáp ứng được kể cả giấy décor (LPL) và laminate (HPL). Tuy nhiên nếu muộn chọn độ bóng gương thì acrylic là cao nhất, sau đó là giấy décor sơn UV và cuối cùng là sơn bệt. Nếu bạn muốn sự gần gũi và ấm áp của thiên nhiên thì veneer là số 1 và sau đó là Laminate và giấy décor.
  3. Độ bền: Nói chung là trong điều kiện bảo quản tốt thì hầu hết các vật liệu đều có thể sử dụng trong 15-20 năm.
  4. Chịu ẩm: Có 1 thực tế là tất cả gỗ công nghiệp đều nên được sử dụng trong điều kiện khô ráo tránh nước. Ván dán (Plywood) có thể được đánh giá cao ở khả năng này.
  5. Công năng sử dụng: Với cánh tủ quần áo, cánh tủ bếp cần độ bóng nên chọn Acrylic, giá kệ trưng bày nhẹ có thể dùng MFC. Khu vực ẩm như bếp nên chọn loại ván chống ẩm tốt và ván dán (Plywood) là 1 lựa chọn tốt. Những sản phẩm ít va chạm có thể dùng bề mặt giấy décor (LPL) và ngược lại nên dùng Laminate (HPL) ví dụ như mặt bàn học sinh do tính hiếu động thường xuyên dùng vật sắc nhọn (compa, ngòi bút…) đâm chọc.

Kết luận: Trước sự đa dạng và phong phú của vật liệu, người tiêu dùng nên tỉnh táo để đưa ra sự lựa chọn hợp lí cho căn nhà của mình tránh lãng phí không cần thiết và phù hợp với thiết kế tổng thể.

Bề mặt Acrylic

Bề mặt: HPL và Veneer