7 LÃNG PHÍ TRONG SẢN XUẤT CẦN LOẠI BỎ
2. Tồn kho
2.1. Chi phí cho việc lãng phí tồn kho
Mỗi lô hàng tồn kho đều kéo theo những tổn thất về vật chất và buộc các Doanh nghiệp phải gánh vác. Khi tiền bị “chôn” trong hàng tồn kho cũng giống như mạch máu bị tắc, Doanh nghiệp phải trả lãi tài chính và đánh mất đi các cơ hội đầu tư khác.
Một chi phí nữa cũng rất dễ nhận thấy là việc lưu giữ, bảo quản hàng tồn kho gây ra lãng phí diện tích kho cùng nhận lực, vật lực cho việc này. Ngoài ra thì khả năng hàng bị hư hại, thất thoát trong thời gian tồn kho cũng là điều thật khó tránh khỏi.
Các lãng phí này sẽ được cộng vào giá vốn hàng bán làm cho hàng hóa mất đi khả năng cạnh tranh của nó và Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc mất đi khách hàng.
2.2. Nguyên nhân của việc tồn kho.
Một trong những vấn đề dẫn tới tình trạng tồn kho vượt quá như cầu đó là chuỗi cung ứng không đảm bảo đủ độ tin cậy và chuyên nghiệp buộc Doanh nghiệp luôn phải dự phòng một lượng tồn kho nhiều hơn nhu cầu thực tế.
Một vấn đề khác đó chính là khả năng dự báo, lập kế hoạch tiêu thụ của bộ phận bán hàng không sát với thực tế hoặc không có các giải pháp để thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa dẫn tới tình trạng tồn kho.
Dây chuyền sản xuất không cân bằng về công suất giữa các công đoạn cũng gây ra tình trạng tắc nghẹn cục bộ dẫn tới hiện tượng tồn kho trước hoặc sau công đoạn đó.
Nhu cầu của khách hàng không ổn định cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn kho. Ngoài ra việc áp dụng hệ thống đẩy cũng là một nguyên nhân nữa.
2.3. Giải pháp loại bỏ lãng phí tồn kho
Sử dụng mô hình hệ thống kéo - Có đơn hàng mới sản xuất. Đây là sự khác biệt rất lớn với mô hình đẩy (sản xuất ra sau đó tìm cách bán). Hiện nay suy nghĩ sản xuất loạt lớn để tăng năng suất, hạ giá thành đã không còn dễ dàng như trước khi mà nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi. Điều này buộc Doanh nghiệp phải lựa chọn công cụ chuyển đổi nhanh (SMED) để thích ứng.
Để có thể áp dụng được công cụ chuyển đổi nhanh thì thay vì đầu tư vào các máy chuyên dụng, hiện đại với chi phí đầu tư lớn, Doanh nghiệp nên đầu tư các máy nhỏ, riêng lẻ với chi phí hợp lí hơn.
Áp dụng các công cụ quản lí LEAN như “Just in Time”; “Kanban”; “Heijunka” để có lịch trình sản xuất phù hợp với đơn hàng bán - Bán bao nhiêu sản xuất bấy nhiêu.
Cân bằng dòng chảy sản xuất, loại bỏ bớt các điểm thắt cổ chai cũng là một trong những giải pháp giảm lượng tồn kho.
Nâng cao khả năng dự báo nhu cầu của khách hàng.
Tìm các nhà cung cấp chuyên nghiệp và tính toán lượng tồn kho tối ưu với số lượng và thời gian đặt hàng phù hợp nhất.
(Hết bài 2)