7 LÃNG PHÍ TRONG SẢN XUẤT CẦN LOẠI BỎ
6. Lãng phí do gia công, xử lý thừa
Gia công, xử lí thừa tức là thực hiện nhiều công việc hơn mức yêu cầu dưới mọi hình thức. Có thể là thực hiện nhiều công đoạn hơn so với nhu cầu thực tế, quy trình không phù hợp nhưng lại áp dụng một cách máy móc, làm ra những tính năng không hữu dụng…Những công việc này làm tăng thời gian và chi phí không cần thiết cần hạn chế và loại bỏ.
6.1. Nguy cơ do gia công xử lí thừa
Bất kì doanh nghiệp nào cũng luôn mong muốn làm hài lòng khách hàng bằng những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, thay vì cung cấp những sản phẩm đúng yêu cầu, đúng tiêu chuẩn của khách hàng thì lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc vào những công việc không cần thiết bạn đang buộc khách hàng phải trả thêm một khoản tiền không đáng có.
Giống như một câu nói nổi tiếng của Mark Zuckerberg “Done is better than perfect” (Hoàn thành tốt hơn sự hoàn hảo). Hãy làm đúng những gì mà khách hàng yêu cầu trước khi đi tìm sự hoàn hảo!
6.2. Một vài ví dụ về lãng phí do gia công, xử lí thừa.
- Công ty trước đây tôi từng làm việc có yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Họ có bộ phận kiểm tra cuối (FI), kiểm tra toàn bộ sản phẩm trước khi đưa sang kho đóng gói. Tuy nhiên để có thể ngăn những sản phẩm lỗi bị lọt ra thị trường thì bộ phận kho lại kiểm tra lại một lần nữa trước khi đóng gói. Điều này gây mất rất nhiều thời gian và buộc chúng tôi phải tìm cách cải tiến bằng cách phối hợp 2 bộ phận kiểm tra cùng 1 lúc tại 1 khu vực ấn định.
- Thay vì cần gửi báo cáo gấp thì chúng ta loay hoay, mất thời gian để tìm cách trình bày bảng biểu bằng các màu sắc cho bắt mắt và bị trễ hạn.
- Với một chiếc cân tạ thì luôn cho phép dung sai lớn, đâu cần cải tiến để đạt độ chính xác như cân tiểu li?
- Một chiếc tủ quần áo cần sơn 5 lớp nhưng với tấm hậu tủ (phía giáp tường) thì đâu cần nhiều lớp như vậy?
6.3. Nguyên nhân dẫn tới lãng phí gia công, xử lí thừa
- Nguyên nhân đầu tiên cần kể tới đó là thông số kĩ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm không rõ ràng. Thay vì cắt 1 miếng gỗ theo kích thước yêu cầu và chuyển cho công đoạn tiếp theo thì người công nhân tiếp tục chà nhẵn đường cắt cho đẹp.
- Quy trình không hợp lí và ví dụ về sự phối hợp giữa công đoạn kiểm tra cuối và đóng gói ở trên là 1 minh chứng.
- Một nguyên nhân rất phổ biến đó là bắt nguồn từ khâu thiết kế với những yêu cầu đưa ra thiếu tính thực tiễn. Tôi đã từng bắt gặp một tư vấn thiết kế khăng khăng yêu cầu dùng gỗ tiêu chuẩn E1 và loại bỏ phương án dùng gỗ tiêu chuẩn Carb. P2 mặc dù hoàn toàn tương đương.
6.4 Giải pháp nhằm hạn chế và loại bỏ lãng phí do gia công, xử lí thừa
Đầu tiên, trước khi bắt đầu công việc hãy luôn đặt ra những câu hỏi dạng 5W1H để tìm xem mục đích chính của quá trình thực hiện là gì, các tiêu chuẩn cần đáp ứng ra sao để từ đó chúng ta mới xác định đâu là quy trình, công đoạn chính cần ưu tiên, đâu là công đoạn có thể bỏ qua để tiết kiệm thời gian và tránh lãng phí.
Phân tích bản vẽ, trao đổi thẳng thắn với khách hàng nhằm loại bỏ những yêu cầu quá khắt khe, không thật sự cần thiết. Thông qua đó tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Soạn thảo, ban hành, đào tạo và đưa vào áp dụng các hướng dẫn công việc tiêu chuẩn hóa cho tất cả mọi người, cho các ca làm việc.
Xác định và thực hiện cải tiến những quy trình chưa hợp lí, các bước công việc thừa.
(Hết bài 6)